Mệnh danh là “tàu ma” vì nó được thiết kế để không có một thủy thủ đoàn nào bên trên.
Những chiếc xe điện tự hành đang dần trở nên phổ biến và được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành tương lai của vận chuyển đường bộ, nhưng ở đường biển, tàu điện là cực kỳ hiếm và chưa có chiếc tàu điện thương mại tự hành nào. Tuy nhiên, điều này sắp thay đổi, chiếc tàu điện chở hàng tự động hóa đầu tiên trên thế giới vừa được ra khơi thử nghiệm.
Yara Birkeland, một con tàu chở hàng dài 80m với trọng tải toàn phần khoảng 3.200 tấn, tốc tối đa 28km/h, được mệnh danh là “tàu ma” vì được thiết kế để không cần có một thủy thủ đoàn nào bên trên, nó là một con tàu tự động hóa. Con tàu điện này đã khởi hành chuyến đi đầu tiên ở Na Uy, với hy vọng mang đến một tương lai xanh sạch hơn, một tương lai không cần sự có mặt của con người trong vận tải đường biển.
Các hệ thống cảm biến và máy tính trên tàu cho phép nó có thể di chuyển tự động, hoặc trong những tình huống khó khăn cần sự can thiệp của con người thì họ có thể điều khiển con tàu thông qua hệ thống điều khiển từ xa, những công nghệ này sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn thủy thủ đoàn trên tàu. Con tàu được cung cấp năng lượng bằng động cơ điện và pin 6.8-MWh (gần bằng 100 chiếc xe Tesla), do đó không tạo ta khí thải.
Về công nghệ, con tàu được trang bị một số cảm biến tiên tiến, bao gồm lidar, AIS, camera và radar để đảm bảo có thể phát hiện các tàu khác và tránh va chạm. Theo Reuters, con tàu sẽ được trang bị thêm khả năng xếp dỡ hàng hóa, sạc pin và điều hướng mà không cần sự tham gia của con người, sau khi nó hoàn thành quá trình chạy thử trong 2 năm. Trong thời gian thử nghiệm, trên tàu vẫn sẽ có thủy thủ và có khu vực buồng lái, nhưng sau vài năm nữa sẽ biến mất hoàn toàn.
Yara đã làm việc với công ty công nghệ hàng hải Kongsberg trong việc phát triển tàu kể từ năm 2017 – một dự án tiên phong ủa ngành vận tải biển hướng tới các hoạt động tự hành và vận chuyển không phát thải. Tuy nhiên dự án đã bị chậm tiến độ do dịch COVID-19. Kế hoạch là sử dụng con tàu để vận chuyển hóa chất và phân bón từ nhà máy sản xuất của Yara ở Prosgrunn đến các thị trấn lân cận, giúp giảm đáng kể lượng khí thải NOx và CO2 bằng cách loại bỏ nhu cầu vận chuyển bằng xe tải chạy bằng động cơ diesel.
Chuyến đi đầu tiên của nó vào ngày 18 tháng 11 chỉ là một chuyến đi thử nghiệm từ Horten đến Oslo (khoảng 70km), với sự tham dự của Thủ tướng Na Uy và Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Chính sách Đại dương Quốc gia. Công ty đặt mục tiêu sẽ đưa con tàu vào hoạt động thương mại trong vài năm tới, vận chuyển phân khoáng từ nhà máy Yara ở Porsgrunn đến cảng ở Brevik và Larvik. Đây chỉ là một chặng đường ngắn, khoảng 20 phút di chuyển bằng xe tải, nhưng công ty tin rằng con tàu sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải ô nhiễm trong quá trình vận chuyển.
Tuy là chuyến đi ngắn, nhưng con tàu sẽ phải điều hướng trong một vịnh hẹp và di chuyển dưới các cây cầu trong khi giữ mình giữa dòng chảy và giao thông đông đúc từ các tàu buôn, tàu du lịch, trước khi cập bến vào các cảng bận rộn nhất của Na Uy.
Svein Tore Holsether, CEO của Yara, cho biết: “Con tàu sẽ giúp cắt giảm 1000 tấn CO2 và thay thế 40.000 chuyến vận chuyển bằng xe tải chạy động cơ diesel mỗi năm”.
“Đây là một ví dụ tuyệt vời về quá trình chuyển đổi xanh, chúng tôi hy vọng con tàu này sẽ là bước khởi đầu cho một loại tàu container không phát khí thải mới. Có rất nhiều nơi trên thế giới sẽ được hưởng lợi từ một giải pháp công nghệ cao như thế này”, ông nói.
Ở những nơi khác, tàu tự hành cũng đang được thử nghiệm cho các mục đích quân sự. Đầu năm nay, quân đội Mỹ đã điều một tàu không thủy thủ đoàn, tên là NOMAD, trên hành trình dài 8.187 km từ bờ biển vùng Vịnh duyên hải Mexico của Mỹ, đi qua Kênh đào Panama, đến bờ biển Thái Bình Dương.
Nhưng con tàu tự động vừa có ưu vừa có nhược so với những tàu truyền thống. Thứ nhất, hầu hết các tai nạn hàng hải là do “lỗi con người”, vì vậy hệ thống máy tính có thể là “thuyền trưởng” an toàn hơn so với con người. Việc không có thủy thủ đoàn có nghĩa là các con tàu có nhiều không gian hơn để chở hàng, có thể được đóng nhẹ hơn và sử dụng ít năng lượng hơn.
Mặt khác, công nghệ mới mang đến những thách thức mới, từ những mối đe dọa từ hacker đến các vấn đề về độ tin cậy của hệ thống. Ngoài ra, các tàu tự hành hiện chỉ có khả năng đi các tuyến đường sông và ven biển chứ chưa thể vượt biển đường dài.
Hiện tại, công nghệ này vẫn còn khá mới do đó có nhiều giới hạn, nhưng theo thời gian, chắn chắn những hạn chế này sẽ dần được dỡ bỏ và tương lai các con tàu không người lái sẽ đóng vai trò lớn trong vận tải đường biển./.